Có phải kê khai bổ sung thuế GTGT nếu làm sai hồ sơ khai thuế không?
Việc kê sai, sót trong quá trình kê khai thuế là điều khó tránh khỏi. Vậy Doanh nghiệp có phải kê khai bổ sung thuế GTGT nếu làm sai hồ sơ khai thuế không? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây của 1KETOAN.
Các trường hợp phải kê khai bổ sung thuế GTGT
1) Khi doanh nghiệp phát hiện tờ khai thuế GTGT đã nộp lần đầu có sai, sót => Được kê khai bổ sung (cả trong trường hợp chưa hết hạn hoặc đã hết hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế đó; và trong thời hạn 10 năm nhưng TRƯỚC KHI cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra).
2) Nếu cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở => Doanh nghiệp vẫn được kê khai bổ sung thuế GTGT NHƯNG SẼ BỊ PHẠT với hành vi kê khai sai hoặc trốn thuế.
3) Trường hợp bỏ sót hóa đơn đầu vào – đầu ra (quên không kê khai) thì phải kê khai bổ sung điều chỉnh vào ký phát sinh hóa đơn (tức là kê khai bổ sung điều chỉnh lại tháng, quý mà Doanh nghiệp xuất hóa đơn đó).
Xem thêm: Hướng dẫn xác định ưu đãi thuế TNDN trong quyết toán thuế
Thời hạn kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT
Căn cứ quy định tại Điều 47 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14:
Trường hợp trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra
Người nộp thuế (NNT) phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế
Khi đã có công bố quyết định thanh kiểm tra thuế tại trụ sở của NNT thì NNT vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và 143 của Luật này.
Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của NNT thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
- NNT được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và 143 của Luật này.
- Trường hợp NNT phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.
Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế
Theo quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019, hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:
- Tờ khai bổ sung.
- Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan.
Xem thêm: Hạn nộp Báo cáo thuế Quý 4 năm 2023 Doanh nghiệp cần lưu ý
Cách kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT theo Thông tư 80/2021/TT-BTC
1) Kê khai bổ sung không làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế
Việc kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT không làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế như: số thuế VAT còn được khấu trừ, số thuế phải nộp hoặc số thuế đề nghị hoàn => Người nộp thuế không cần lập tờ khai bổ sung thuế GTGT, chỉ cần lập và nộp bảng giải trình kê khai bổ sung mẫu số 01-1/KHBS.
2) Khai bổ sung thuế GTGT làm giảm số thuế phải nộp
Doanh nghiệp tại kỳ kê khai sai nếu đã nộp theo số sai thì xem như nộp thừa và được bù trừ với số phát sinh của kỳ hiện tại.
3) Kê khai bổ sung thuế GTGT làm tăng số thuế phải nộp
Doanh nghiệp tiến hành nộp số tiền chênh lệch tăng và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
4) Khai bổ sung thuế GTGT chỉ làm tăng số thuế còn được khấu trừ
Với trường hợp này, doanh nghiệp tại kỳ kê khai sai thì kê khai điều chỉnh số chênh lệch đó vào chỉ tiêu 38 của kỳ khai thuế hiện tại.
5) Khai bổ sung thuế GTGT làm giảm số thuế còn được khấu trừ
Nếu doanh nghiệp chưa đề nghị hoàn thuế số chênh lệch này thì kê khai điều chỉnh số chênh lệch giảm này vào chỉ tiêu 37 của kỳ khai thuế hiện tại.
Nếu doanh nghiệp đã được hoàn thuế thì phải nộp lại số hoàn sai đó và tiền chậm nộp theo quy định.
6) Kê khai bổ sung làm giảm số thuế còn được khấu trừ và tăng số thuế phải nộp
Trường hợp này xảy ra khi doanh nghiệp kê khai trùng hóa đơn đầu vào hoặc khai sót hóa đơn đầu ra.
Cách xử lý: Doanh nghiệp cần nộp số chênh lệch tăng thêm và tiền chậm nộp phát sinh theo quy định, đồng thời kê khai điều chỉnh số chênh lệch giảm đó vào chỉ tiêu 37 của kỳ khai thuế hiện tại.
7) Kê khai bổ sung hóa đơn do kê khai sót
Căn cứ Công văn số 3059/TCT-KK do Tổng cục thuế ban hành, việc kê khai bổ sung hóa đơn GTGT mua vào do kê khai sót ở kỳ kê khai thuế hiện tại vẫn được chấp thuận. Vì vậy doanh nghiệp/kế toán có thể tiến hành kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT ở kỳ phát sinh hóa đơn sót hay kê khai vào tờ khai thuế GTGT của kỳ phát hiện kê khai sót hóa đơn đều được.
Hy vọng bạn đọc đã nắm được thông tin chi tiết về việc Kê khai bổ sung thuế GTGT. Nếu doanh nghiệp còn thắc mắc cần giải đáp, hoặc chưa có người hỗ trợ vấn đề này có thể liên hệ 1KETOAN qua Hotline/Zalo: 0888.005.630 để được chuyên viên của chúng tôi tư vấn!