Các biện pháp để tránh thuế thay vì “trốn thuế”
Các biện pháp để tránh thuế thay vì trốn thuế. Dưới đây là một số phương thức điển hình của trường hợp “tránh thuế” hợp pháp theo các quy định của pháp luật thuế của Việt Nam để chúng ta có cái nhìn toàn diện về những ích lợi của việc ứng dụng “tránh thuế” hợp pháp trong việc giảm thiểu chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Kế toán thuế trong lĩnh vực thuế TNDN:
- Đăng ký trích khấu hao nhanh tài sản cố định trong trường hợp doanh nghiệp dự kiến có lãi nhiều hay ngược lại đăng ký trích khấu hao chậm nếu đang trong thời gian được ưu đãi miễn giảm thuế TNDN;
- Chọn đăng ký phương thức khấu hao thích hợp tùy theo dự kiến doanh nghiệp sẽ có lãi hay bị lỗ (phương thức đường thẳng; theo số dư giảm dần có điều chỉnh; hay theo số lượng, khối lượng sản phẩm);
- Đăng ký chuyển lỗ trong vòng 05 năm vào những năm tài chính mà doanh nghiệp dự kiến sẽ có lãi lớn để dùng số lỗ đó giảm thu nhập chịu thuế;
- Doanh nghiệp đi vay tiền chịu lãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đưa tiền lãi đó vào chi phí để giảm thu nhập chịu thuế thay vì yêu cầu cổ đông, thành viên góp vốn tự đi vay tiền để góp vốn điều lệ (tiền lãi từ tiền vay phục vụ cho việc góp vốn vào doanh nghiệp không được xem là chi phí hợp lý).
2. Kế toán thuế trong lĩnh vực thuế nhập khẩu:
- Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ những nước có ký các hiệp định về ưu đãi thuế quan với Việt Nam (chẳng hạn như Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của các nước Asean-CEPT) để được hưởng mức thuế suất thấp.
3. Kế toán thuế trong lĩnh vực thuế nhà thầu:
- Chọn lựa giữa việc đăng ký thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (đăng ký, kê khai và trả thuế trên doanh thu thực nhận và chi phí thực tế phát sinh) hay không đăng ký thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (đăng ký, kê khai và trả thuế theo phương thức khoán trên doanh thu theo hợp đồng);
- Ký hợp đồng dịch vụ với những công ty là đối tượng cư trú ở những nước mà có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần (“HĐTĐTHL”) với Việt Nam mà theo nội dung của các HĐTĐTHL đó công ty dịch vụ đó, trong một số trường hợp, có thể được hưởng thuế suất thấp hơn và lẽ đương nhiên là sẽ giảm giá mua bán hàng hóa/dịch vụ với doanh nghiệp;
4. Kế toán thuế trong lĩnh vực thuế trước bạ:
- Thường là trong việc “chạy thuế”, tức là mua trước hay mua sau một mốc thời gian quan trọng nhất định đối với một số loại hàng hóa hay dịch vụ (ví dụ như thời điểm 31/12/2009 đối với xe hơi) để tận dụng việc tăng hay giảm của mức thuế trước bạ dành cho loại hàng hóa hay dịch vụ đó.
Gần đây, Luật Thuế TNCN ban hành cũng có nhiều cách để “tránh thuế” hợp pháp. Một số cách thức phổ biến là:
- Chọn đối tượng nộp thuế là vợ hoặc chồng tùy theo thu nhập cao thấp của từng người trong việc kê khai giảm trừ gia cảnh đối với số người phụ thuộc trong gia đình nhằm mục đích giảm số thuế phải trả;
- Doanh nghiệp không trả lương cho các cổ đông cá nhân tham gia hoạt động quản lý doanh nghiệp (thuế suất tối đa đối với tiền lương, tiền công chịu thuế TNCN ở mức 35%) để cổ đông nhận được cổ tức cao hơn (doanh nghiệp chỉ đóng thuế thuế TNDN 25% trên thu nhập trước thuế và cổ đông cá nhân đóng 5% thuế TNCN trên cổ tức nhận được).
Như vậy, trong quá trình tìm kiếm các giải pháp khả thi để giảm thiểu chi phí nhằm đối phó với tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, ngoài việc xem xét việc giảm lương, giảm giờ làm, giảm thiểu các chi phí không cần thiết, thương lượng giảm giá hàng hóa/dịch vụ với các nhà cung cấp, thanh lý các tài sản không cần thiết…
Doanh nghiệp cũng nên chú ý đến việc xem xét các biện pháp “tránh thuế” hợp pháp mà luật pháp cho phép để giảm thiểu chi phí. Nếu chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ về thuế, kế toán chưa vững hay thì chủ doanh nghiệp có thể nhờ các công ty luật, công ty kiểm toán có kinh nghiệm tư vấn giúp đở để đạt được mục đích như mong muốn mà không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.